Cà Mau đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt
Lượt xem: 33
Thứ Sáu, 27/10/2023 09:05 GMT+7
Trong xu thế phát triển của thời đại công nghệ số, tỉnh Cà Mau đã và đang đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại và tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch, mua sắm, thực hiện dịch vụ công trực tuyến… Qua đó, góp phần tích cực vào quá trình chuyển đổi số, hình thành những công dân số trong tương lai.
Cà Mau đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại các bệnh viện.
Nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã thúc đẩy thực hiện các cơ chế, chính sách, đa dạng các phương tiện, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong việc thanh toán tiền điện, nước, cước viễn thông, chi trả viện phí, dịch vụ công trực tuyến, mua sắm… để người dân dễ dàng tiếp cận. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích, tính tiện dụng của việc thanh toán không dùng tiền mặt nhằm tạo thói quen sử dụng hình thức thanh toán này trong giao dịch hàng ngày.
Hiện nay, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt như: Quét mã QR, ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking… đang trở nên phổ biến và được nhiều người dân, nhất là giới trẻ trên địa bàn tỉnh ưu tiên chọn lựa. Hiện các chi nhánh ngân hàng thương mại trong tỉnh đã cung cấp hoặc phối hợp với đối tác cung cấp các địa điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt với 864 điểm đặt máy POS/mPOS (với 1.039 máy POS) và 5.855 điểm chấp nhận thanh toán qua mã thanh toán nhanh (QR Code Merchant). Đến nay, có 05 ngân hàng liên kết cung cấp dịch vụ cho 12 cơ sở y tế, khám chữa bệnh để triển khai áp dụng thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Có 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong thanh toán học phí và các dịch vụ phục vụ nhà trường.
Thầy Trần Minh Dũng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (Phường 9, thành phố Cà Mau) cho biết: “Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại trường học, nhà trường đã công khai số tài khoản, đưa các giáo viên chủ nhiệm phổ biến cho các lớp. Đã qua, nhiều phụ huynh cũng lựa chọn hình chuyển khoản để thanh toán các khoản đóng bán trú, bảo hiểm cho học sinh. Theo đó, phụ huynh khi chuyển khoản chỉ cần ghi đủ họ tên, thông tin lớp nhà trường sẽ ghi nhận lại, điều này cũng khá tiện lợi, phụ huynh không cần phải đến tận nơi đóng như lúc trước”.
Cách thanh toán không dùng tiền mặt như quét mã QR trở nên phổ biến và được nhiều người dân trên địa bàn tỉnh ưu tiên chọn lựa.
Qua ghi nhận thực tế, hiện nay, tại các cửa hàng, quán cà phê, nhà hàng, kể cả các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh đã dần phổ biến, áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi giao dịch, mua sắm. Nếu như trước đây, phần lớn người dân luôn phải mang theo tiền mặt khi đi ăn uống, mua sắm thì hiện nay chỉ với một tấm thẻ ATM hay điện thoại di động có cài đặt ứng dụng ngân hàng hoặc ví điện tử là người dân có thể thanh toán các khoản tiền một cách nhanh chóng, dễ dàng, giúp tiết kiệm thời gian cho cả người bán và người mua.
Chị Lê Thị Cẩm Vân, chủ cửa hàng buôn bán tại Phường 7, thành phố Cà Mau cho biết: “Lúc trước, khách hàng thường chỉ thanh toán bằng tiền mặt nhưng thời gian gần đây chủ yếu trả tiền qua hình thức chuyển khoản, vừa tiện lợi và cũng tránh nhầm lẫn khi có đông khách. Thời điểm đầu, tôi cũng chỉ dán số tài khoản để khách dễ chuyển khoản. Sau đó, tôi liên hệ với ngân hàng làm mã QR để người dân quét mã thanh toán dễ dàng hơn, tiện cả đôi đường”.
Anh Nguyễn Duy Đình, ngụ Phường 5, thành phố Cà Mau cho biết: “Trước đây, đi đâu cũng cần phải có tiền mặt nhưng giờ nhiều nơi chấp nhận thanh toán bằng thẻ ATM hay quét mã QR nên rất thuận tiện. Chỉ cần có điện thoại cài app của ngân hàng là có thể thanh toán nhanh, chưa đến vài giây”.
Thời gian tới, tỉnh Cà Mau tiếp tục thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên cơ sở ứng dụng công nghệ, tạo thuận lợi cho người dân, nhất là người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận được dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, triển khai công tác truyền thông về các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử... Qua đó, góp phần giúp người dân từng bước tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại, thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số tại địa phương.
Trúc Đào