Từ một hộ có cuộc sống kinh tế gia đình thuộc diện khó khăn, thiếu thốn nhưng nhờ cần cù, chịu khó, chí thú làm ăn, vợ chồng chị Dương Thị Bế, ở Ấp 11, xã Khánh Thuận, huyện U Minh đã từng bước vươn lên nhờ tận dụng đất trống xung quanh nhà để đưa vào làm chuồng nuôi gà, làm hồ nuôi ếch. Cũng chính nhờ vào mô hình này mà cuộc sống kinh tế gia đình của chị Bế không ngừng được cải thiện và từng bước khấm khá hơn.
Chị Bế đang cho đàn gà ăn.
Hơn 10 năm trước, gia đình chị chị Dương Thị Bế cũng như nhiều hộ nông dân khác ở Ấp 11, xã Khánh Thuận, huyện U Minh còn gặp nhiều khó khăn về đời sống. Trong khi đó, việc sản xuất nông nghiệp còn bấp bênh, thu nhập không cao.
Do cuộc sống kinh tế gia đình khó khăn, thiếu thốn, vợ chồng chị Dương Thị Bế tận dụng triệt để diện tích đất vườn, bờ bao xung quanh nhà để đưa vào sản xuất. Với nguồn vốn ít ỏi của gia đình, chị Bế quyết định thực hiện những mô hình sản xuất theo phương châm “lấy ngắn, nuôi dài”. Đó là chỉ nuôi, trồng những loại cây con dễ thực hiện, dễ chăm sóc, có thời gian thu hoạch ngắn để sớm có thu nhập cho kinh tế gia đình.
Trên phần đất trống sau nhà, vợ chồng chị Bế tận dụng những loại cây lá sẵn có của gia đình để làm chuồng thực hiện mô hình nuôi gà. Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu, chị Bế quyết định nuôi già nòi Bình Định. Theo chị Bế, gà nòi Bình Định là loại động vật dễ nuôi, mau lớn, ít bệnh tật, thời gian nuôi ngắn, dễ tìm đầu ra và bán được giá.
Lúc đầu, do chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật nên chị Bế chỉ mua và thả nuôi mỗi vụ khoảng 300 con gà nòi Bình Định giống. Sau 3 tháng nuôi, chị Bế tiến hành thu hoạch. Sau khi trừ chi phí, mỗi vụ nuôi chị Bế còn lãi trên 30 triệu đồng. Thấy gà nòi Bình Định dễ nuôi, mau lớn và đạt hiệu quả kinh tế cao nên từ vụ thứ 3 trở đi, chị Bế đã tăng dần số lượng gà thả nuôi. Nhờ đó, đến khi thu hoạch, chị Bế cũng có thu nhập nhiều hơn.
Mô hình nuôi gà nòi Bình Định của chị Bế.
Để “lấy ngắn nuôi dài”, tháng nào chị Bế cũng thả nuôi thêm gà giống. Với cách làm này, số lượng gà đến lứa thu hoạch của gia đình chị Bế cũng thường xuyên hơn. Nhờ đó, tháng nào gia đình chị Bế cũng có tiền vô để trang trải cuộc sống và tích lũy cho kinh tế gia đình. Đến nay, đàn gà của gia đình chị hiện nay có tổng cộng 1.600 con lớn nhỏ. Trong đó, gà loại 1 tháng tuổi có khoảng 800 con, gà từ 800 gam trở lên có 800 con. Nếu từ giờ đến 1 tháng nữa, đàn gà lớn từ 800gam trở lên này không có trở ngại gì, sau khi thu hoạch trừ chi phí chị Bế còn lãi trên 50 triệu đồng. Thu hoạch xong vụ này, chị Bế vệ sinh chuồng trại, mua con giống để thả nuôi cho vụ tiếp theo. Chị Bế cho biết: “Gà nòi Bình Định có sức đề kháng tốt, khỏe mạnh, mau lớn. Tuy nhiên, để nuôi gà Bình Định mang lại hiệu quả cao, người nuôi cần nắm vững phương pháp và kỹ thuật nuôi. Người nuôi phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình giữ gìn vệ sinh. Chuồng trại rộng rãi, khô ráo, khu vực chăn nuôi cần tránh xa nơi ở để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Phải cho gà ăn, uống sạch và đầy đủ. Thường xuyên phòng chống dịch bệnh, nhất là khi tăng đàn. Sau khi gà xuất bán phải vệ sinh lại chuồng trại sạch để nuôi vụ gà tiếp theo. Gà từ 1 ngày tuổi đến 1 tháng tuổi nên cho gà uống vắc xin Lasota hoặc Newcatson…mỗi con từ lúc nuôi đến khi xuất bán chỉ cho uống 1 lần vắc xin là đủ”.
Chị Bế tận dụng đất trống sau nhà để làm hồ nuôi ếch.
Ngoài ra, chị Bế còn tận dụng đất trống xung quanh nhà làm 4 hồ bằng cao su, mỗi hồ có diện tích khoảng 8m² để thực hiện mô hình nuôi ếch nhằm tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, đàn ếch lớn nhỏ của gia đình chị Bế trên 3.000 con. Trong đó, ếch thịt khoảng 700 con, còn lại ếch giống. Trên thị trường 1 kg ếch thịt bán với giá 50.000 đến 60.000 đồng, ếch giống bán 2.000 đến 3.000 đồng/con. Chỉ tính riêng tiền bán ếch thịt, ếch giống trong 1 năm gia đình chị Bế thu nhập trên 30 triệu đồng. Chị Bế còn tận dụng các liếp, bờ bao trồng 3.000 buội chuối sứ và đã cho thu hoạch hơn 3 năm nay. Trung bình 1 tháng, gia đình chị thu hoạch được 300 đến 400 kg chuối trái và khoảng 400 bắp chuối. Từ việc tận dụng đất trống, vườn tạp để đưa vào sản xuất, mỗi năm chị Bế đã có thu nhập gần 200 triệu đồng.
Nhờ cần cù, chí thú làm ăn và biết tận dụng đất trống, vườn tạp để đưa vào sản xuất, gia đình chị Dương Thị Bế, ở Ấp 11, xã Khánh Thuận giờ đây không những thoát khỏi cảnh khó khăn, thiếu thốn mà ngày một ổn định, vươn lên. Mô hình sản xuất của chị Bế cần được nhân rộng cho nhiều nông dân làm theo nhằm cải thiện cuộc sống gia đình theo hướng bền vững.